15:37 28/10/2021
“Gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” phát triển kinh tế hiệu quả
Huyện Cù Lao Dung là vùng sông nước tách biệt với đất liền, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Những năm gần đây tình hình sản xuất của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả các mặt hàng nông, thủy sản không ổn định. Với những khó khăn trên Hội Nông dân huyện đã tích cực, chủ động xây dựng các kế hoạch, phong trào thi đua nhằm giúp người dân có nhưng hướng đi đúng đắn vượt qua khó khăn. Trong đó nổi bật nhất là phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, trong đó nông dân Nguyễn Văn Tấn sinh năm 1962 ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, từ khi mới bắt đầu lập nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn cả về kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất. Ông Tấn cho biết: Thông qua Hội Nông dân ông được tham gia nhiều lớp tập huấn, học tập, trao đổi kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình mới, hiệu quả. Đặc biệt, được biết đến phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tôi nhận thức được rằng mình cần học tập và làm theo Bác từ những việc làm thiết thực, cụ thể, gắn với công việc của mình. Do đó, bản thân luôn thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng, từ đó có điều kiện tốt hơn để nuôi dạy con cái, làm gương cho gia đình, người thân noi theo, tích cực đóng góp vật chất để xây dựng quê hương xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung ngày càng giàu đẹp”.

Về với Cù Lao Dung nói chung, xã Đại Ân 1 nói riêng ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Tấn, là một trong những người tiên phong đưa cây Mít, Xoài, Nhãn IDo đến với mảnh đất này. Ông Tấn thường tâm sự với những người xung quanh: “Là người nông dân chất phác ở đồng quê, việc học tập và làm theo Bác cách thiết thực nhất là chăm chỉ lao động, biết làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình và biết chia sẻ, giúp đỡ bà con lối xóm cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương”….Với suy nghĩ đó, trước hết, bản thân ông Tấn đã chứng minh ý tưởng của mình bằng những việc làm thiết thực và làm giàu trên mảnh đất của ông. Sau bao năm trồng Mía thấy không khá, qua đúc kết những kinh nghiệm thực tế của những người trồng cây ăn trái thành công, ông mạnh dạn chuyển sang chuyên canh trồng Nhãn IDo, Xoài, Mít Thái. Ông Tấn chia sẻ:  Đầu tiên là khâu chọn giống, cây giống phải sạch, đầy đủ rễ, có bộ lá tốt; “tốt nhất là đến mua tại các trại cây giống có uy tín và đảm bảo chất lượng”. Kế đến là chọn đất trồng ở những nơi khô ráo và đất có nhiều chất hữu cơ, lên liếp trồng rộng, mặt liếp phải có rãnh thoát nước. Quy cách trồng là đắp mô trước khi trồng từ 2 đến 4 tuần, cao từ 0,5m đến 0,6m, khoảng cách giữa các mô là 5m, xử lý vôi trên mặt liếp với liều lượng 200kg/công; đồng thời bón phân hữu cơ đã hoai mục trên mô và mặt liếp, sau 2 tháng xới lên và trồng (nên trồng vào mùa mưa để cây đỡ mất sức). Về kỹ thuật chăm sóc, ông cho biết thêm, sau khi trồng từ 1 đến 2 tháng mới tưới phân hóa học kèm theo phân vi lượng, liều lượng theo hướng dẫn của cơ quan khuyến nông.
Đối với cách phòng bệnh, người trồng cây cần thường xuyên theo sát quá trình tăng trưởng của cây từ lúc nhỏ để có cách đề phòng các loại sâu bệnh xuất hiện và xử lý kịp thời. Thường ở giai đoạn đầu xuất hiện sâu vẽ bùa, sâu đục thân, rầy nhớt, nhện đỏ, bù lạch, bọ trĩ... Tùy theo loại bệnh mà sử dụng loại thuốc đặc trị để có hiệu quả, bảo vệ được vườn cây xanh tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt nên chú trọng dùng thuốc vi sinh để bảo vệ môi trường và phẩm chất. Nhãn Ido, Xoài, Mít trồng khoảng 4 năm bắt đầu cho thu hoạch.
Với cách làm như vậy, vườn cây ăn trái của ông Tấn  luôn xanh tốt và cho năng suất cao. Những năm gần đây, 10 công Mít, Nhãn Ido, Xoài của gia đình ông luôn xanh tốt, cho năng suất cao, thu hoạch năm 2 lần, bình quân thu hoạch 10 tấn, giá trung bình của cây Nhãn Ido là 30.000 đến 40.000 đ/kg, cây Mít giá trung bình từ 50.000 đến 60.000đ/kg, cây Xoài từ 8.000 – 12.000đ/kg sau khi trừ chi phí, ông thu về trên 500 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ông Tấn ngày càng khấm khá hơn.


Bên cạnh đó ông còn thường xuyên chia sẻ với bà con xung quanh, giúp đỡ cây giống, tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho năng suất cao; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động trong xóm, ấp. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương, đóng góp làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa cầu cống, đóng góp cho Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống... Ông tâm sự: “Tôi vẫn nhớ như in lời Bác dạy: Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”. Từ đó, ông luôn xác định: Muốn vận động, tuyên truyền cho ai đó thì bản thân phải gương mẫu đi đầu, thực hiện “Nói đi đôi với làm”. Với những suy nghĩ mộc mạc, giản đơn trong việc học tập và làm theo Bác như thế, người nông dân Nguyễn Văn Tấn đã thực sự trở thành người chiến sỹ trên mặt trận kinh tế nông nghiệp như lời dạy của Bác Hồ “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, từ đó vươn lên làm giàu bằng mồ hôi, công sức của mình trên mảnh đất quê hương.
Với những việc làm thiết thực, cụ thể trong học tập và làm theo Bác ông Tấn đã được UBND huyện và tỉnh biểu dương, khen thưởng là một trong những tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

 

Võ Trúc Giang
CHÍNH SÁCH NGHỊ ĐỊNH MỚI
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Truy cập hôm nay : 55
Truy cập trong 7 ngày :427
Tổng lượt truy cập : 44134