Công việc chăm sóc đàn Dê mỗi ngày của anh Hồng Văn Tuấn
Đến thăm mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt của gia đình anh Hồng Văn Tuấn ở ấp Sóc Xoài xã Phú Mỹ, khu vực chăn nuôi dê được gia đình bố trí ngăn nắp và khoa học, có cây xanh chắn gió, che nắng, chuồng được phân thành nhiều ngăn để nhốt riêng dê mẹ và dê thịt. Ngoài ra, anh còn sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy môi trường sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi hôi thối.
Anh Hồng Văn Tuấn chia sẽ kinh nghiệm từ mô hình cho nông dân
Sau gần 3 năm đưa vào chăn nuôi dê, thấy hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại cao, gia đình anh bắt đầu tăng đàn qua từng năm. Hiện tại gia đình có hơn 30 con dê, trong đó có 12 con dê cái sinh sản. Một con dê cái trung bình một năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con, nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng từ 25- 30 kg, giá bán ổn định từ 110.000 - 150.000 đồng/kg. Năm 2022, gia đình anh Tuấn bán gần 50 con dê thịt, cho thu nhập hơn 80 triệu đồng khi đã trừ chi phí.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi dê nhốt chuồng phù hợp với điều kiện địa phương, do không tốn nhiều diện tích. Mô hình còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc... Thành công từ mô hình của anh Hồng Văn Tuấn đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân xã Phú Mỹ. Thời gian tới, anh Tuấn dự định mở rộng thêm diện tích, phát triển đồng thời mô hình chăn nuôi dê vỗ béo để tăng thu nhập gia đình. Với kinh nghiệm nuôi dê, anh Tuấn cũng thường xuyên chia sẻ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho các hội viên nông dân và bà con nông dân tại địa phương. Qua mô hình đạt hiệu cao nhiều năm, ông được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương và đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Ông Lý Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ cho biết, mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh Hồng Văn Tuấn bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Nhiều nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm đều được hướng dẫn nhiệt tình. Xã có hơn 10 hộ phát triển mô hình này. Nhằm giúp nông dân phát triển mô hình, địa phương sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn chăn nuôi dê. Bên cạnh đó, vận động nông dân liên kết, thành lập tổ hợp tác. Từ đó, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật, đầu ra… để nông dân an tâm phát triển mô hình.