Phát biểu khai mạc hội thảo, Đồng chí Đặng Tấn Giang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng thông tin Mục đích hướng đến của “Dự án thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ Nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại tỉnh Sóc Trăng” là hướng đến đều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ được tham gia nhiều hoạt động của dự án, góp phần nâng cao năng lực và được đào tạo những kỹ năng cơ bản trong lao động thời vụ, được tiếp cận và hiểu nhiều hơn về các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bình đẳng giới…
Hoạt động dự án gắn với đặc thù sản xuất của địa phương, do đó 02 đơn vị được chọn trực tiếp tham gia dự án là Hội Nông dân huyện Mỹ Xuyên và Trần đề, với 08 xã tham gia, hướng đến các tổ nhóm tổ hợp tác, hợp tác xã ở hai nhóm lao động là “Nuôi tôm và trồng lúa” có 571 thành viên tổ nhóm nông dân tham gia dự án.
Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại tỉnh Sóc Trăng” có đồng chí Đặng Tấn Giang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Tiến sĩ Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp va Phát triển Nông thôn, đồng chí Nguyễn Thảo Nguyên – Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Hoàng Dũng – Trưởng Phòng việc làm, tiền lương, An toàn lao động – Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các đồng chí là lãnh đạo Hội Nông dân huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội Nông dân, các tổ nhóm các xã tham gia dự án cùng phóng viên, biên tập viên Báo Sóc Trăng, Đài Phát thành và Truyền hình Sóc Trăng.
Quang cảnh tại buổi Hội thảo khởi động dự án
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các nội dung như: Giới thiệu tổng quan về Dự án; Tham luận về tác động của biến đổi khí hậu đến an sinh xã hội trong ngành nông nghiệp và phụ nữ nông thôn trên địa bàn tỉnh; về an toàn lao động và bình đẳng giới trong lĩnh vực Nông nghiệp; Vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện chính sách An sinh xã hội, phúc lợi đối với hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh; nội dung phối hợp giữa Hội Nông dân và Bảo hiểm xã hội tỉnh trong thời gian qua cũng như các chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Gợi ý thảo luận, đóng góp các đề xuất phối hợp, hợp tác trong triển khai thực hiện dự án.
Theo Tiến sĩ Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong năm 2022, ngành thủy sản chịu ảnh hưởng bởi các tác động sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá xăng, dầu, chi phí vận chuyển và giá vật tư đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người sản xuất. Tuy nhiên, nhờ vào sự chủ động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, sự sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp và nông dân trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh năm 2022 đạt mốc 1,4 tỷ USD, mà mặt hàng chủ lực là con tôm đạt 1,05 tỷ USD (tăng 6,49%). Số liệu tính đến ngày 18/8/2023 toàn tỉnh đã thả nuôi trồng thủy sản 56.606,1 ha, đạt 76,5% so với Kế hoạch và bằng 88% so với cùng kỳ, ước sản lượng thu hoạch 134.651,8 tấn. Trong đó, tôm nước lợ 42.541 ha (tôm thẻ chân trắng 31.727 ha, tôm sú 10.814 ha), đạt 83,4% so với Kế hoạch và bằng 86,8% so với cùng kỳ, ước sản lượng 104.297,3 tấn (tôm thẻ chân trắng 97.870,6 tấn, tôm sú 6.426,6 tấn), thấp hơn 2,3% so với sản lượng tôm cùng kỳ. Tại Hội nghị đồng chí cũng đề xuất, Ban Quản lý Dự án cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy tại đại phương, ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng, khuyến khích người dân sáng tạo trong quá trình thực hiện Dự án, huy động các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp để đảm bảo sinh kế cho nữ nông dân và lao đông thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Thảo Nguyên – Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng. Trong năm 2023, BHXH tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phối hợp về việc triển khai mô hình “Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” cho hội viên nông dân. Đây là giải pháp hỗ trợ tài chính cho người dân hàng ngày tiết kiệm một số tiền nhỏ, nhằm tích lũy để có thể tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bằng cách bỏ ống heo. Các Chi hội nông dân sẽ vận động hội viên tham gia tổ/mô hình “Nuôi heo đất” tiết kiệm mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; khi tham gia mô hình, mỗi hội viên sẽ tiết kiệm để dành bỏ vào ống heo mỗi ngày ít nhất là 10.000 đồng, định kỳ sinh hoạt hàng tháng, số tiền này được hội viên dùng để đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tương ứng với mức đóng phù hợp cho mỗi người.
Mô hình “Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm lan tỏa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, huy động sự chung tay hưởng ứng của hội viên nông dân nhằm tạo sự bền vững, lâu dài khi tham gia để mọi người dân đều được hưởng lương hưu khi về già và được chăm sóc sức khỏe khi không may ốm đau, bệnh tật. Có thể nói, việc triển khai mô hình “Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến hết tháng 7/2023, BHXH tỉnh, BHXH các huyện đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp ra mắt và thành lập 29 tổ mô hình “Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” với 413 hội viên nông dân tham gia mô hình, qua đó có 337 hội viên nông dân tham gia BHXH tự nguyện, 31 hội viên tham gia BHYT hộ gia đình.
Chủ tọa Hội thảo chụp ảnh lưu niệm về khẩu hiệu truyền thông cho Dự án
Đồng chí Đặng Tấn Giang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Qua hội thảo nhằm tranh thủ sự ủng hộ, tăng cường sự quan tâm của lãnh đạo các Sở, ngành, Hội Nông dân huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn thực hiện tham gia Dự án về các chủ đề của Dự án như an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội, việc làm tử tế/sinh kế bền vững, bình đẳng giới, hành động tập thể. Nâng cao nhận thức về các chủ đề của Dự án cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia Dự án”. Kết thúc Hội thảo đồng chí mong rằng, sau khi dự hoạt động hội thảo này Hội Nông dân 02 huyện Trần Đề và Mỹ Xuyên sẽ chỉ đạo sâu sát hơn, truyển thông nhiều hơn để thu hút bà con nông dân ở địa phương mình hiểu hơn về ý nghĩa dự án, để làm sau khi kết thúc dự án chúng ta đạt được mục tiêu đề ra và xây dựng được mô hình có ý nghĩa góp phần cùng địa phương hướng đến an sinh xã hội và việc làm tử tế và nâng cao năng lực cho hội viên cũng như bà con nông dân tham gia dự án.