Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ và vốn nông thôn mới của địa phương. Anh Nguyễn Hoàng Duy, ở ấp Kiết Bình, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, đã mạnh dạn thực hiện trồng thử nghiệm mô hình dưa lưới trong nhà màng với diện tích khoảng 1.300 m2. Đây là vụ dưa thứ hai, sau khi trồng thử nghiệm vụ thứ nhất đạt năng suất và lợi nhuận cao. Hiện dưa phát triển tốt và cho trái đều, gần đến ngày thu hoạch. Và hơn 1 tháng trước đã được thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh đặt cọc bao tiêu. Ước tính năng suất khoảng 4,5 tấn, với mức giá tuỳ loại, dao động từ 30-32 ngàn đồng/ 1 kg, sau khi trừ các khoản chi phí, vụ này anh Duy sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận khá.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên mô hình dưa lưới của anh Duy phát triển rất tốt. Có được thành quả này là nhờ vào sự bảo đảm tuân thủ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng như kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống cho đến nguồn nước tưới. Theo anh Duy, một vụ dưa lưới khoảng 75 ngày, với ưu điểm trồng trong nhà màng, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sâu bệnh, nên 1 năm có thể trồng được đến 4 vụ. Thêm vào đó, trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Theo đánh giá của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Duy bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao và ngành tiếp tục tham mưu cho địa phương có kế hoạch hỗ trợ nông dân phát triển mô hình này.
Với thành công của mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Nguyễn Hoàng Duy đã mở ra nhiều triển vọng về hiệu quả kinh tế, góp phần tạo điều kiện cho người dân các khu vực nông thôn tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thay đổi tập quán sản xuất cũ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình cũng là điểm đến của các nông dân trong vùng để tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau sản xuất hiệu quả./.