Đầu năm 2022, sau khi nghiên cứu quy trình, kỹ thuật nuôi từ bạn bè, các trang mạng xã hội, Youtube,… anh Giang đã xây dựng 2 bể xi măng với tổng diện tích 15m2 để thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn. Mỗi bể, anh thả hơn 2.500 con giống, loại 1.000 – 1.200 con/kg, cho ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Sau khoảng 13 tháng nuôi, lươn phát triển tốt, đạt năng suất, đầu con ít hao hụt, kích cỡ trung bình từ 3 – 4 con/kg, gia đình anh xuất bán theo hình thức tỉa thưa với giá 110.000 đồng/kg.
Theo anh Giang, lươn là loại da trơn, dễ bị trầy xước nên khi nuôi trong bể xi măng, phải đảm bảo nền và lòng bể trơn bóng. Hơn nữa, lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn nên chỗ nuôi phải hạn chế ánh sáng, tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon hoặc lưới to mềm. So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì mô hình nuôi này lươn có tốc độ tăng trọng nhanh, dễ quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển của lươn.
Lươn phát triển tốt trong bể xi măng tại hộ anh Giang
Anh Giang đúc kết rút kinh nghiệm, khi lươn được khoảng 3 - 4 tháng tuổi, có sự chênh lệch về kích cỡ thì phân loại nuôi riêng để tránh hao hụt, dễ chăm sóc hơn. Mặc dù mô hình này nặng chi phí đầu tư bể nuôi và mua con giống nhưng bù lại thức ăn không tốn là bao. Theo anh tính toán, tổng chi phí xây ao nuôi và con giống gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, thu nhập từ 1 bể lươn đã đủ và dư vốn, 1 bể còn lại là phần lợi nhuận của gia đình.
Anh Lâm Văn Giàu đang thay nước cho bể nuôi lươn trong bể xi măng
Cũng tại ấp Hội Trung mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của hội viên nông dân anh Lâm Văn Giàu, đã mạnh dạn đầu tư xây 2 bể xi măng, với diện tích mỗi bể khoảng 8 mét vuông được lót gạch men trơn để lươn không bị trầy da và để tiện cho việc vệ sinh bể (nuôi lươn không bùn) nuôi 4.000 con lươn giống. Thời gian đầu tuy gặp không ít khó khăn về kỹ thuật nuôi, con lươn chỉ phát triển ở mức trung bình với tỷ lệ sống khoảng 80%, nhưng nhờ cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên anh gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình thả nuôi con giống.
Trong quá trình nuôi, anh Giàu nhận thấy lươn là loại con rất dễ nuôi, cách chăm sóc không cầu kỳ, tỷ lệ con giống sống đạt trên 90% và đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Chia sẽ về kỹ thuật nuôi lươn, anh cho biết: “Nuôi lươn không khó, tuy nhiên phải bỏ công chăm sóc, thường xuyên theo dõi lươn phát triển để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Để nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả, ngoài con giống, thì khâu phối giống và nguồn nước sử dụng khi nuôi rất quan trọng. Mỗi ngày cần thay nước trong bể nuôi ít nhất 2 lần để làm sạch môi trường nước, phòng tránh bệnh cho lươn. Ngoài ra, lươn thường gặp về bệnh đường ruột, nấm… nên công tác phòng bệnh định kỳ cho lươn cũng được chú trọng”
Trưởng Ban nhân dân ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng - Ông Thạch Soi cho hay: “Lươn nhà anh Giang và anh Giàu nuôi đạt chất lượng, thịt ngon, dinh dưỡng nên bà con ở ấp rất ưa chuộng. Dịp đám, tiệc, bà con trong ấp liên hệ đặt mua. Mô hình này rất hiệu quả, sắp tới, chúng tôi sẽ vận động hộ anh Giang và hộ anh Giàu hướng dẫn và tuyên truyền cho bà con thực hiện để nhân rộng”.
Với sự nhạy bén, kiên trì và quyết tâm khởi nghiệp, cả 2 hộ hội viên nông dân được nêu trên đã thành công với mô hình nuôi lươn không bùn. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi tại địa phương./.