Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò thịt và bò giống tại xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung
Trong những năm qua, Hội Nông dân xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung thực hiện Dự án nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn ưu đãi quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Ban Chấp hành Hội Nông dân xã xây dựng kế hoạch triển khai khắp các Chi tổ hội, tiến hành lập dự án đề nghị về trên để tiến hành thực hiện trên địa bàn các ấp. Tính từ năm 2019 đến nay đã có 2 dự án nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện.
Anh Sơn Văn Thăng, ấp Bình Danh B, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung là 01 trong 18 thành viên tham gia Dự án nuôi bò sinh sản. Gia đình anh Thăng bắt đầu với nghề nuôi bò thịt và bò giống sinh sản từ năm 2006. Lúc đầu, anh mua được 02 con bò giống về nuôi, sau vài năm chăm sóc, bò đã lần lượt sinh sản. Nhận thấy nuôi bò thịt dễ chăm sóc, chi phí chăn nuôi ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, khi bò sinh bê cái anh đều giữ lại để làm giống và tìm mua những con bò sinh sản khỏe mạnh để mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau thời gian 17 năm nuôi bò đến nay, đàn bò gia đình anh đã lên đến 18 con, trong đó có 13 con bò sinh sản.
.jpg)
Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình anh dành 01 ha đất sản xuất để trồng cỏ, đây là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho bò. Ngoài ra, khi không sử dụng hết số cỏ, anh cho những hộ xung quanh có nuôi bò đến cắt cỏ về chứ không bán. Hàng năm gia đình anh đều xuất bán từ 4-5 con bò thịt, thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí thì số tiền lời đó anh tiếp tục mua bò giống tốt hơn, dần thay thế những giống bò không tốt. Năm 2020 anh tham gia vào THT nuôi bò và đã được các ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, anh đã tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi, với việc triển khai thành công mô hình nuôi bò thịt và bò giống sinh sản, gia đình anh Sơn Văn Thăng đã được Cấp ủy, Chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đây thực sự là mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện chăm sóc của người nông dân ít vốn sản xuất.
Hiệu quả của nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân trên địa bàn xã An Thạnh 2 đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thành công xã nông thôn mới tiến tới nông thôn mới nâng cao.