Nhiều năm trước, khi mùa mưa đến, bà con nông dân trong huyện thường loay hoay không biết nuôi gì, trồng gì, có người thì đầu tư nuôi tôm, nuôi cá, xuống giống mía, hay cây công nghiệp ngắn ngày … sau mùa thu hoạch, lợi nhuận chỉ tạm đủ chi xài vặt trong gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, tư duy ấy đã dần được thay đổi và mùa mưa là cơ hội để phát triển các loại cây trồng nước ngọt thích hợp hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vật nuôi và một số cây trồng khác, đó là sản xuất rau màu thực phẩm trong mùa mưa. Bắt đầu bước vào mùa mưa, bà con nông dân trong huyện đã xuống giống được hơn 2.158ha diện tích màu thực phẩm và một số rau, màu khác như: bắp, dưa leo, khổ qua, bầu, bí, cụ cải trắng, cải bắp, rau ăn lá các loại.
Đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp Phát Đạt xã Châu Khánh, có gần 12ha diện tích trồng rau màu được chứng nhận VietGAP, bà con thành viên trong hợp tác xã cho biết: Cây màu thích nghi, sinh trưởng tốt trong mùa mưa, trồng màu mùa mưa, tuy giá bán không cao, nhưng tiết kiệm được khoản chi phí hơn 01 triệu đồng từ điện, nước phục vụ cho tưới tiêu. Bình quân 3 tháng sản xuất mùa mưa, nước ngọt đã giúp các thành viên trong hợp tác xã có nguồn thu trên 30 triệu đồng, với diện tích khoảng 1000m2 từ trồng củ cải trắng, cà chua, dưa leo, khổ qua, hay các hộ chuyên trồng rau ăn lá: hành, hẹ …. Nhằm giúp cho bà con nông dân, đặc biệt là các thành viên của hợp tác xã chuyên sản xuất rau, màu trong mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp huyện Long Phú tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.