Ông Lê Văn Tư cho biết, sau một thời gian tìm hiểu, tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn ở tỉnh Đồng Tháp và một số hộ nuôi lân cận như: Thị trấn Đại Ngãi; Hậu Thạnh, Trường Khánh và một số hộ nuôi tại địa phương. Ông mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống lọc, xử lý nước và 10 bể nuôi lươn, với diện tích mỗi bể từ 15 – 20m2. Xung quanh bể và đáy bể được lát gạch men, giá thể sử dụng trong bể nuôi là dây nylon. Ông Tư chia sẻ: “Lúc đầu, tôi thả nuôi 8.000 con lươn giống trong một bể nuôi lớn, để dễ chăm sóc, quản lý khi lươn còn nhỏ. Sau một tháng nuôi, lươn lớn và phân đàn, tôi tiến hành phân chia lươn ra 04 bể nuôi, mỗi bể từ 1.800 con - 2.000 con, với diện tích (20m2), còn lại một số lươn nhỏ tôi tách ra nuôi thúc riêng. Sau 10 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng 200 – 250g/con. Tôi xuất bán 03 bể nuôi được hơn 1.000kg, bán với giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, lợi nhuận khỏang 100 triệu đồng. Hiện tại, tôi và anh em trong gia đình phát triển gần 40 bể nuôi, mỗi bể tôi thả 2.000 con lươn, lươn của tôi và anh em nay đã từ 01 tháng tuổi trở lên”.
Chúng tôi theo chân ông Trần Hoàng Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phụng, đến thăm gia đình anh Trần Văn Kết ở ấp Phụng Sơn, lần đầu tiên anh đầu tư xây dựng 02 bể nuôi lươn không bùn, với tổng chi phí gần 40 triệu đồng. Anh Kết kể: “Thấy bà con nuôi lươn dễ ăn quá, nên tôi quyết tâm nuôi lươn cho bằng được, sau một thời đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, cách chăm sóc, cho lươn ăn, cách thay nước cho lươn, cách trị bệnh… tôi kêu thợ đóng 01 cây nước, mua 01 cái mô tưa điện, rồi xây 02 bể nuôi, một bể 10m2 và 01 bể 20m2, rồi sau đó đi lên Đồng Tháp bắt con giống về nuôi”. Lần đầu anh Kết bắt 2.000 con giống, sau hơn 04 tháng chăm sóc, trọng lượng lươn của anh Kết khoảng 30 con/kg và cách nay hơn tháng anh lên Đồng Tháp bắt thêm 2.000 con nữa, nuôi thêm bể mới. Chúng tôi hỏi về quy trình nuôi, anh Kết vui vẻ nói: “Lươn là loài dễ nuôi, ngày cho ăn 02 lần, vào lúc 07 giờ và 18 giờ, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vitaminC để tăng sức đề kháng cho lươn. Ngoài ra, tôi còn bổ sung thêm trùn quế trộn với thức ăn nhằm tăng khả năng bắt mồi của lươn, thay nước hàng ngày trước khi cho lươn ăn cữ sáng, sau mỗi cữ ăn khoảng 01 tiếng, mình dùng vợt vớt thức ăn thừa lắng dưới đáy bể ra ngoài, nhằm hạn chế thức ăn dư làm ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, người nuôi lươn cần lưu ý nguồn nước phải được xử lý lắng, lọc kỹ trước khi cho vào bể nuôi. Thức ăn cho lươn phải còn hạn sử dụng và đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng”. Ngoài 2 bể nuôi lươn thương phẩm, anh Kết còn đóng khung tre và lót bạc nylon làm thêm 04 bể nuôi lươn đồng, mỗi bể anh thả nuôi với 1.000 con, nay lươn đồng của anh Kết đã trên 03 tháng tuổi và đang phát triển tốt.
Theo Ông Trần Hoàng Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phụng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 15 hộ nuôi lươn không bùn, trong đó có một hộ nuôi lươn giống, với 02 bể nuôi, số lượng lươn giống là 4.000 con nhằm cung cấp con giống cho gia đình và Tổ hợp tác, hiện toàn xã có 85 bể nuôi, mỗi bể nuôi có diện tích từ 15 – 20m2, với số lượng lươn thương phẩm trên 170.000 con, bà con bắt con giống nuôi có tuổi từ 01 tháng trở lên và lươn đang phát triển tốt. Để giúp bà con nuôi lươn đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân xã kết hợp với các ngành chức năng, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, đồng thời vận động thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn giống và lươn thương phẩm, để giúp bà con liên kết với thị trường, ổn định đầu ra sản phẩm, dần dần hình thành thương hiệu lươn Song Phụng”.
Khác với lươn trong tự nhiên, mô hình nuôi lươn không bùn là lươn được nuôi trong các bể xi măng, mặt trong ốp gạch men, hay gạch tàu, hoặc lót bạc giúp lươn không bị trầy xước, trong Tổ hợp tác nuôi lươn cũng có một số bà con lấy tre đóng khung và lót bạc làm bể nuôi lươn, nhằm tiết kiệm chi phí. Theo kinh nghiệm của ông Võ Hoàng Nam, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi lươn giống và lươn thương phẩm xã Song Phụng: “Để nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả cao, bà con nên thiết kế bể nuôi có hình chữ nhật, diện tích từ 10 – 20m2, chiều cao khoảng 0,7 – 01m, trên thành bể nuôi cần viền bằng gạch, để đề phòng lươn thoát ra ngoài. Vị trí đặt bể nuôi, giống như điều kiện sống tự nhiên của lươn, nhưng không đặt ở nơi ồn ào, nhiều người qua lại, ở chỗ râm mát, âm u, che chắn được mưa gió, bà con có thể làm mái che, hoặc giản cây cho bể, dưới đáy của bể phải hơi dốc về phía cống thoát giúp quá trình vệ sinh bể diễn ra dễ dàng hơn khi thay nước”.
Qua mô hình nuôi lươn không bùn của Tổ hợp tác nuôi lươn giống và lươn thương phẩm xã Song Phụng cho thấy, đây là mô hình dễ thực hiện, diện tích không cần nhiều, những hộ gia đình chỉ cần vài chục mét vuông đất có thể xây bể nuôi được. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế và đang được nhiều hộ dân xã Song Phụng nhân rộng tại địa phương.