Mô hình trồng rau màu của Tổ hợp tác xã Châu Khánh, sản xuất theo hướng VietGAP
Những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân huyện đã chuyển đổi gần 100 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả, xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau, màu trong nhà lưới, mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn; ứng dụng công nghệ phủ lưới tưới phun và điều khiển bằng thiết bị di động, áp dụng phương pháp tưới phun sương, nhỏ giọt, điều khiển bằng điện thoại thông minh … hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các loại máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy gieo hạt, máy cắt cỏ nuôi bò … được đưa vào sản xuất giảm đáng kể nhân công và thời gian sản xuất. Hiện nay, huyện có 09 sản phẩm nông nghiệp được công nhận chất lượng sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Phú cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hội đã triển khai các chương trình, dự án trên cây lúa, góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân từ sản xuất truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nông dân sản xuất theo quy trình 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm, sử dụng giống lúa xác nhận; các giống lúa đặc sản để sản xuất, gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được nhân rộng, từng bước nâng diện tích lúa được chứng nhận VietGAP. Nông dân xây dựng được mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa; mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo bền vững đạt các tiêu chí của dự án VnSAT, theo hướng hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, nâng giá trị sản xuất trên 01 đơn vị diện tích canh tác đạt 165 triệu đồng”.
Tiêu biểu như Tổ hợp tác rau màu của Hội Nông dân xã Châu Khánh, nhờ tích cực đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nên từ đầu năm 2020 đến nay, trong lúc nhiều đơn vị, tổ hợp tác, hộ gia đình “điêu đứng” do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhưng Tổ hợp tác vẫn phát triển ổn định, cung ứng ra thị trường hàng chục tấn rau, củ, quả các loại/tháng. Với diện tích sản xuất trên 12ha chuyên sản xuất rau màu an toàn, sản xuất theo hướng VietGAP, từ đầu năm 2018 đến nay, Tổ hợp tác đã ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất, nên việc giám sát đầu vào, quản lý sản xuất đến chào bán, tiêu thụ sản phẩm rất thuận tiện, sản lượng rau, cụ, quả sản xuất tăng hơn từ 5 – 10%. Bên cạnh việc tìm kiếm các mối xuất hàng để mở rộng thị trường, Ban lãnh đạo Tổ hợp tác còn tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng canh tác cho bà con, cũng như từng bước hướng đến sản xuất rau “xanh” thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, đất đai manh mún … nên việc liên kết và tiêu thụ theo chuỗi còn hạn chế; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương còn thấp. Cùng với đó, nông sản có thương hiệu trên thị trường còn ít, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, nên năng lực cạnh tranh chưa cao. Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá một số nông sản bếp bênh; chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến trong sản xuất nông nghiệp, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản còn hạn chế, nên số lượng các doanh nghiệp, cơ sở đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện cũng thấp.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng … Thời gian tới, cùng với thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, các cấp Hội Nông dân huyện Long Phú sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Trong đó chú trọng phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện, ưu tiên phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.