08:50 03/03/2022
Hiệu quả từ mô hình nuôi dê “nhốt chuồng”
Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát huy lợi thế đất vườn nhà và đất bờ kênh của địa phương, những năm qua, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lấy chăn nuôi làm khâu đột phá trong sản xuất để nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của hội viên nông dân huyện Long Phú là một trong những điển hình, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hội viên Ông Văn Chiến, Chi hội ấp 1, thị trấn Long Phú bên chuồng dê sinh sản

Qua tìm hiểu được biết, nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn nên người nuôi vẫn có thời gian làm việc khác; hơn nữa dê sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn. Chuồng trại nuôi dê được làm đơn giản, với diện tích khoảng 40m2 – 66m2/chuồng; vật dụng chủ yếu là gỗ tạp, mái lợp lá hoặc tôl. Điều đặc biệt là chuồng dê làm phải cao ráo, cách 1m so với mặt đất và làm theo kiểu chuồng sàn. Các thanh gỗ lát sàn có khe hở để bảo đảm phân và nước thải lọt xuống. Đối với dê sinh sản, phải bám sát chu kỳ và phải theo dõi kỹ lưỡng quá trình phối giống cũng như sinh sản của đàn dê. Cũng theo ông Chiến, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà là rau muốn, rau lan… và cỏ bờ kênh. Vì dê là loài ăn tạp nên mình có thể không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn mà chỉ tốn công cắt cỏ để cho dê ăn. Đầu năm 2020 ông Chiến mạnh dạn đề nghị vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện 30 triệu đồng để mở rộng thêm chuồng và cải tạo giống dê Boer cho năng suất cao.
Chia sẻ với chúng tôi về đầu ra của con dê, ông Ông Văn Chiến phấn khởi: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt khá rộng khi có nhiều thương lái đến gia đình để tìm mua dê tận chuồng. Theo đó, dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 40kg/con, bán với giá từ 130.000 - 160.000 đồng/kg. Ngoài nuôi dê thịt, gia đình tôi còn cung cấp ra thị trường dê giống cho bà con trong và ngoài huyện, cũng như ngoài tỉnh. Dê giống được nuôi khoảng 6 tháng tuổi là có thể xuất bán với giá 3 - 6 triệu đồng/con”.

Đối với Hội viên Phan Văn Sáng, bắt đầu nuôi dê từ năm 2019 do thấy được đất vườn nhà và đất bờ kênh dễ trồng cỏ nên hội viên nông dân Phan Văn Sáng tận dụng trồng cỏ nuôi dê, nhiều năm liền thu được lợi nhuận cao, đến đầu năm 2021 ông mạnh dạn vay vốn hỗ trợ nông dân huyện 40 triệu đồng mở rộng chuồng và cải tạo giống dê Boer để tăng thu nhập.
Anh Sáng chia sẻ: “Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê. Dê vốn là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các loại rau, lá cây và phụ phẩm như rau lan, rau muốn, thân và lá bắp, cỏ… Việc tận dụng phân dê để ủ bón cây cũng góp phần tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho dê”.


Hội viên Phan Văn Sáng, Chi hội ấp Tư, xã Châu Khánh bên trên chuồng dê của mình

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Long Phú thời gian qua có nhiều triển vọng. Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của hội viên nông dân phát triển khá mạnh, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, phòng bệnh nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao./.

Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch HND huyện Long Phú
CHÍNH SÁCH NGHỊ ĐỊNH MỚI
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Truy cập hôm nay : 55
Truy cập trong 7 ngày :427
Tổng lượt truy cập : 44134